Descriptions
Thỉnh thoảng lại nhận được những review của bạn đọc không phải là giới nghiên cứu viết về cuốn "Có 500 năm như thế - Hình dung sự hình thành bản sắc Quảng Nam". Có bài có những ý tưởng rất bất ngờ, và cả cảm động nữa (như ở đây là hình ảnh: "lịch sử bị vón cục vòn hòn lại trong vài dòng gọn lỏn"). Định đọc một mình nhưng nghĩ lại chuyện chi không đưa lên đây cho nhiều người cùng đọc, nên từ nay có nhiêu xin đưa lên bấy nhiêu; chỉ xin được hỏi lại tác giả có muốn để tên hay không thôi. Và lần này thì tác giả bảo không, chỉ để là một bạn đọc là được rồi. Theo như một lỗi chính tả trong bài thì bạn này ở Hà Nội, và điều này rất có ý nghĩa vì cho đến nay mảng đề tài này được sự quan tâm của phía Nam nhiều hơn.
---------------------------------------------------------
Thưa bác Hồ Trung Tú, tôi vừa đọc xong cuốn “Có 500 trăm năm như thế” của bác từ tối hôm kia mà hôm nay mới có chút thời gian viết vài dòng cảm nhận. Đây là cảm nhận của một người đọc bình dân, hiểu theo nghĩa không phải là một người nghiên cứu, không phải là một trí thức, nên chỗ nào ngây ngô xin bác đừng bận tâm.
Đúng ra, nếu gặp cuốn này ở hiệu sách, chưa chắc tôi đã mua. Bởi lẽ dòng chữ “Hình dung bản sắc Quảng Nam” chắc sẽ khiến tôi nghĩ rằng, người Quảng Nam đọc thì sẽ thích thú hơn, mình chả hiểu lắm về đất QN, người QN, đọc chắc gì đã thích. Nhưng khi đọc xong cuốn sách, tôi nghĩ là tôi đã lầm. Cuốn sách đã cho tôi những kiến thức lịch sử Nam tiến, lịch sử của vương quốc Chiêm Thành rất lý thú và hữu ích, một chút kiến thức về các phương ngữ tại Việt Nam, và đặc biệt là những lập luận và kết luận logic, hữu lý và đáng tín cậy về bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của vùng QN quê bác. Những kiến thức lịch sử, có chỗ tôi đã đọc nhưng quên thì giờ đọc lại và nhớ. Còn những kiến thức về phương ngữ thì rất mới mẻ đối với tôi. Ngoài ra, chắc chắn cuốn sách sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến lối tư duy của tôi và các bạn đọc khác về các vấn đề thuộc về lịch sử.
Phải chăng chính “lợi thế” hay cãi của người Quảng Nam đã khiến bác có được lối tư duy độc đáo như vậy? Cách tiếp cận phân kỳ và dựa vào việc khảo sát những dấu vết trong ngôn ngữ của bác chắc chắn sẽ tiếp tục là phương pháp độc đáo và tiếp tục được áp dụng để giải mã những mù mờ, “bùng nhùng” của lịch sử, vốn là sản phẩm méo mó cố hữu của các thời kỳ phong kiến do những toan tính chính trị của các triều đình.
Chợt nghĩ, thời nay, còn có những người như bác Huy Đức dám viết lại lịch sử chính thống do giai cấp cầm quyền bóp méo, để các thế hệ sau đỡ phải bóp đầu bóp chán suy nghĩ và … cãi nhau. Chỉ vì thời xưa không có những người như bác Huy Đức (mà ai dám, ngày xưa mà dám như HĐ có mà mất đầu!) để giờ đây những người như bác Hồ Trung Tú phải khổ công giải mã.
Rất mong chờ những cuốn sách sau này của bác. Đặc biệt, nếu bác và các nhà nghiên cứu khác giải mã được những mù mờ của lịch sử VN nữa thì tuyệt vời!
Một điều nữa, tôi rất thích cái tên sách “Có 500 năm như thế”. Bác dùng mẫu câu nhấn mạnh, như để nói to với độc giả rằng: Đấy, có 500 năm như thế đó, chứ không phải 500 năm vón cục, vón hòn như vài dòng gọn lỏn trong sử sách xưa nay đâu. Tựa sách đã nói lên tất cả.
Cuối cùng, hình như trong sách vẫn còn vài (2 hay 3 gì đó) lỗi typo bác ạ. Lúc đang đọc tôi quên không dùng bút đánh dấu, giờ không biết ở những chỗ nào nữa.
Giờ tôi biết thêm, không phải chỉ có những người Quảng Nam hay cãi, việc to việc nhỏ cãi tuốt đâu. Mà tôi biết CÓ MỘT NGƯỜI QUẢNG NAM NHƯ THẾ, như bác Hồ Trung Tú, “cãi” có bài có bản, có lớp lang hẳn hoi bằng những lập luận logic, mới mẻ và rất thuyết phục.
Add a review