Sự huyền bí của Tác giả Bài thơ: Hai Sắc Hoa Tigôn

Add a review

Descriptions

Bài thơ: Hai sắc hoa Tigôn của tác giả TTKH đến hôm nay người ta vẫn chưa biết được chính xác TTKH tên thật là gì, hiện nay còn sống hay đã chết, đã làm hao tốn giấy mực của rất nhiều nhà nghiên cứu của nhiều thập niên qua, như một huyền thoại.

Xin mạn phép trích đăng gửi tới các bạn bài viết nghiên cứu về T.T.K.H của Trần Đình Thu:
T.T.K.H là một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử văn chương. Đó là câu chuyện về một thi sĩ bí ẩn bỗng nhiên tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ độc giả rồi lặng lẽ biến mất trong cái bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.
Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra câu chuyện kỳ lạ ấy. Rất nhiều người đã tìm cách vén lên bức màn bí ẩn của câu chuyện nhưng hầu như chưa ai làm thỏa mãn độc giả. Còn người yêu thơ vẫn luôn khát khao được biết sự thật: T.T.K.H là ai và đã vì ai mà sáng tác nên những áng thơ tình đặc sắc đó? Việc tìm kiếm con người thật của T.T.K.H thành ra vẫn rơi vào vòng lẩn quẩn trong bao nhiêu năm qua, khiến câu chuyện thêm nhuốm màu huyền thoại.
Câu chuyện T.T.K.H bắt đầu vào tháng 7/1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn mang tên Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu. Hoa ti gôn là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Truyện ký thác một tâm sự khắc khoải, nhớ nhung hoài niệm. Hình ảnh dây hoa ti gôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn khơi gợi một điều gì đó không tiện nói ra. Tác giả của nó - nhà văn Thanh Châu, khi đó là một chàng trai trẻ 25 tuổi, vừa quyết định bước vào nghiệp văn chương. Chàng cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.
Hai tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 9/1937, tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.K.H. Đó là bài Hai sắc hoa ti gôn, được đăng vào ngày 23/9/1937. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, tòa soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng. Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một bài thơ cũng ký tên T.T.K.H gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo.
Những bài thơ mang tên T.T.K.H đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi án văn học T.T.K.H từ đó bắt đầu...
Năm 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam lần đầu tiên, T.T.K.H đã được đưa vào tập sách quan trọng này. Song song đó, nhiều người lại liên tục công bố những thông tin về T.T.K.H. Nào Thâm Tâm, nào Nguyễn Bính, nào em gái nhà thơ Tế Hanh, nào là Trần Thị Khánh... Rất nhiều "ứng viên".
T.T.K.H có phải là Bà Trần Thị Vân Chung? Bà sinh năm 1919 tại Thanh Hóa. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, lớn lên lập gia đình với một người đỗ cử nhân luật, có lúc làm quan tri huyện, về sau làm đến chức Tổng trưởng Quốc phòng trong chế độ Sài Gòn. Về văn chương, bà Vân Chung là người thường hay làm thơ, viết văn với bút danh Vân Nương, Tam Nương... Bà tham gia nhóm thơ Quỳnh Dao - nhóm thơ của những người phụ nữ đài các trưởng giả lúc trước ở miền Nam, thường làm thơ xướng họa với nhau như một sinh hoạt tinh thần. Nữ sĩ Mộng Tuyết cũng là một trong những chủ soái của nhóm thơ này. Bà đã có một số thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1986, bà cùng các con xuất cảnh sang Pháp. Bà vẫn tiếp tục làm thơ đăng trên các tạp chí tiếng Việt ở nước ngoài. Bà Vân Chung chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn.
T.T.K.H là ai, vì ai mà để lại cho đời những vần thơ xao xuyến cõi lòng ấy. Chính khi xưa, Hoài Thanh cũng đã từng nhắc trong Thi nhân Việt Nam: "Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết "con người vườn Thanh" bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?". Cho đến nay, đã qua bảy mươi năm, có lẽ người đã quyết định "ôm nỗi buồn riêng về nơi chín suối" rồi.

---o0o---


HAI SẮC HOA TI GÔN

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi cảm thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thuờng hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi!"

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy!"

Đâu biết một đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...

Từ đấy, thu rồi, thu lại thu …
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha!

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một muà thu trước rất xa xôi..
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngó đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.


Tác giả: TTKH

Similar Products

1413740450663421737

Add a review