XEM NGÀY, CHỌN GIỜ VÀ CÁCH TÍNH GIỜ HOÀNG ĐẠO

Add a review

Descriptions


Theo phong tục cổ truyền Việt nam, trước khi làm một việc gì, người ta cũng phải chọn ngày lành tháng tốt và giờ đẹp. Đó là việc tâm linh của từng người. Còn Thành - Bại; Tốt - Xấu đâu phải do ngày giờ tốt xấu quyết định. Theo quan niệm của người xưa, ngày tốt là ngày có sao tốt chiếu, ngày nên kén, làm việc gì cũng tốt. Ngày xấu là ngày có sao xấu chiếu, nên kỵ. Sao tốt (cát tinh) như: Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Ân, Thiên Hỷ, Lộc Mã... Sao xấu (hung tinh) như: Trùng Tang, Trùng Cửu, Thiên Cương, Thụ Tử, Đại Hao, Quan Phù...

Cụ thể như sau:

Việc cưới xin: kén ngày Thiên Đức, Nguyệt Đức
kị ngày Trực Phá, Trực Nguy
Việc làm nhà: kén ngày Thiên Ân, Thiên Hỷ
kị ngày Thiên Hỏa, Địa Hỏa và tuổi Kim Lâu
Việc xuất hành: tìm ngày Lộc Mã, Hoàng Đạo
kị ngày Trực Phá, Trực Bế
Việc an táng: nên tìm ngày Thiên Hỷ, Thiên Đức
kị ngày Tử Khí, Quan Phù
Mỗi tháng có 3 ngày gọi là "nguyệt kị ", việc gì cũng phải kiêng, mà kị nhất là sự nhập phòng (đàn ông - đàn bà ngủ cùng gường) đó là ngày 5, 14, 23 (ngày âm).
Chọn xong ngày lành, tháng tốt, lại còn phải chọn giờ đẹp, là giờ Hoàng Đạo. Trong một ngày đêm có 6 giờ Hoàng Đạo.Trước khi làm việc gì, như: xuất hành, khai trương cửa hàng, động thổ, đi đón dâu, đưa dâu, nhập xuất hàng, lễ đưa ma, mua ôtô, tậu quán xá, ... đều nên chọn giờ đẹp. Ngày đầu năm mới bạn càng cần để ý. Từ cổ xưa người ta đã chia một ngày đêm ra làm 12 giờ, mỗi giờ bằng 2 tiếng (120 phút), đó là các giờ:
Giờ Tý (Chuột): từ 23 giờ đến 1 giờ sáng: giờ này chuột hoạt động mạnh nhất. 12 giờ đêm (24 giờ - 0 giờ) là chính Tý.
Giờ Sửu (Trâu): từ 1giờ đến 3 giờ: là lúc trâu đã ăn no cỏ, nằm nhai lại, đánh sừng chờ trời sáng để đi cày ruộng.
Giờ Dần (Hổ): từ 3 giờ đến 5 giờ là lúc con hổ hung mãnh nhất.
Giờ Mẹo (Mèo): từ 5 giờ đến 7 giờ: lúc này trăng vẫn còn sáng, cho nên "Mẹo" lấy con thỏ để đặt cho giờ này, dựa vào con thỏ trên mặt trăng (lịch Tàu) Còn lịch ta là Mẹo, giờ này mắt mèo rất tinh, săn chuột mạnh nhất.
Giờ Thìn (Rồng): từ 7 giờ đến 9 giờ: là lúc đàn Rồng quậy mưa (quần long hành vũ).
Giờ Tị (Rắn): từ 9 giờ đến 11 giờ: giờ này thân Rắn mềm lại, không còn đi lại trên lối đi của người, không làm hại người nữa.
Giờ Ngọ (Ngựa): từ 11 giờ đến 13 giờ: là lúc dương khí đạt mức cao nhất, mà ngựa thuộc tính dương, giờ này ngựa khỏe nhất .Đúng 12 giờ trưa là Chính Ngọ.
Giờ Mùi (Dê): từ 13 giờ đến 15 giờ: dê ăn cỏ vào giờ này không ảnh hưởng đến cây cỏ mọc lại dù bị Dê ăn trụi.
Giờ Thân (Khỉ): từ 15 giờ đến 17 giờ: là lúc khỉ hưng phấn nhất, thích hú, kêu.
Giờ Dậu (Gà): từ 17 giờ đến 19 giờ: giờ Gà lên chuồng, mắt Người giờ này hay bị "quáng Gà ".
Giờ Tuất (Chó): từ 19 giờ đến 21 giờ là lúc chó tỉnh táo nhất, trông giữ nhà tốt nhất.
Giờ Hợi (Lợn): từ 21 giờ đến 23 giờ: không gian trở nên yên tĩnh, lợn ngủ say nhất, là giờ tốt cho bọn trộm lợn.
Muốn tính giờ Hoàng Đạo, phải nhớ 4 câu thơ sau:
Dần Thân gia Tị Mẹo Dậu Dần
Thìn Tuất tầm Thìn Tị Hợi Thân
Tý Ngọ thiên cương tầm Ngọ vị
Sửu Mùi tòng Tuất định kỳ chân
Lại còn phải nhớ 2 câu:
Đạo Viễn Kỷ Thời Thông Đạt
Lộ Dao Hà Nhật Hoàn Trình
Lúc đánh giờ, trước hết phải biết là ngày gì (bạn xem trong các quyển lịch ta có ghi rõ, ví dụ: ngày 31 - 12 - 2010 là ngày Ất Mẹo - tháng mậu Tý), rồi dùng 2 câu dưới mà bấm theo giờ ở 4 câu thơ trên. Hễ bấm mà gặp cung nào có chữ Đạo - Viễn - Thông - Đạt - Dao - Hoàn - thì giờ ấy là giờ Hoàng Đạo.
Ví dụ: ngày là ngày Mẹo - ngày Dậu: thì bấm chữ Đạo ngay từ cung Dần, rồi miệng đọc, tay bấm lần đi: cung Dần chữ Đạo, cung Mẹo chữ Viễn, cung Thìn chữ Kỷ, cung Tị chữ Thời, cung Ngọ chữ Thông, cung Mùi chữ Đạt, cung Thân chữ Lộ, cung Dậu chữ Dao, cung Tuất chữ Hà, cung Hợi chữ Nhật, cung Tý chữ Hoàn, cung Sửu chữ Trình.
Vậy giờ Hoàng Đạo của ngày Mẹo, ngày Dậu là giờ: Dần - Mẹo - Ngọ - Mùi - Dậu - Tý.

Một cách khác để tính giờ Hoàng Đạo là:

GIỜ: TÝ SỬU DẦN MẸO THÌN TỊ NGỌ MÙI THÂN DẬU TUẤT HỢI

Ngày Dần - ngày Thân:
Đi Đứng bình yên Đến Đâu cũng Được người thân Đón chào

Ngày Mẹo - ngày Dậu:
Đến cửa Động Đào có tiên Đưa Đón qua Đèo thiên thai

Ngày Thìn - ngày Tuất:
Ai ngóng Đợi ai Đường Đi suôn sẻ Đẹp Đôi bạn đời

Ngày Tị - ngày Hợi:
Cuối Đất cùng trời Đến nơi Đắc Địa còn ngồi Đắn Đo

Ngày Tý - ngày Ngọ:
Đẹp đẽ tiền Đồ qua sông Đừng vội Đợi Đò sang ngang

Ngày Sửu - ngày Mùi:
Sẵn kẻ Đưa Đường băng đèo vượt suối Đem sang Đồn Điền

Dựa theo bảng liệt kê trên đây, muốn tính giờ Hoàng Đạo của ngày nào thì đối chiếu với 12 câu của ngày đó, đánh dấu giờ nào trúng vào câu có phụ âm "Đ" thì giờ đó là giờ Hoàng Đạo.

Ví dụ: Ngày THÌN - ngày TUẤT có 12 câu là: Ai ngóng Đợi ai Đường Đi suôn sẻ Đẹp Đôi bạn Đời, các câu: Đợi - Đường - Đi - Đẹp - Đôi - Đời trúng vào các giờ: Dần - Thìn - Tị - Thân - Dậu - Hợi.
Vậy giờ Hoàng Đạo trong các ngày Thìn - ngày Tuất là: giờ Dần - giờ Thìn - giờ Tị - giờ Thân - giờ Dậu - giờ Hợi.

Để giúp các bạn khỏi mất thì giờ, xin tính sẵn và kê ra đây các giờ Hoàng Đạo trong các ngày như sau:

Ngày Dần - ngày Thân: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Tý - Sửu - Thìn - Tị - Mùi - Tuất

Ngày Mẹo - ngày Dậu: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Tý - Dần - Mẹo - Ngọ - Mùi - Dậu.

Ngày Thìn - ngày Tuất: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Dần - Thìn - Tị - Thân - Dậu - Hợi.

Ngày Tý - ngày Ngọ: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Sửu - Thìn - Ngọ - Mùi - Tuất - Hợi.

Ngày Tị - ngày Hợi: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Tý - Sửu - Mẹo - Ngọ - Thân - Dậu.

Ngày Sửu - ngày Mùi: giờ Hoàng Đạo là các giờ: Dần - Mẹo - Tị - Thân - Tuất - Hợi.

Similar Products

6578092631660349301

Add a review