Descriptions
Chính phủ đã ra thông báo về việc sẽ phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỉ đô la Mỹ để đảo nợ các khoản vay sắp đến hạn với lãi suất thấp hơn. Tuy Bộ Tài chính từ chối cung cấp thông tin chi tiết về khoản vay này song giới quan sát đều hiểu rằng, khoản vay trái phiếu quốc tế đến hạn phải trả gần nhất là 750 triệu đô la Mỹ (chưa bao gồm lãi 10 năm) mà năm 2005 Chính phủ đã vay về và cho Vinashin vay lại toàn bộ.
Chính phủ cho biết sẽ phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong năm nay. Ảnh Uyên Viễn
Khoản này sẽ đến hạn trả nợ từ năm 2016 và Vinashin, nay là SBIC, không thể trả được do thua lỗ. Và ngay từ năm 2013, khi Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đứng ra phát hành trái phiếu đảo nợ cho khoản vay 600 triệu đô la Mỹ cũng của Vinashin, thì cũng đồng thời yêu cầu bộ này chuẩn bị phương án đảo nợ tương tự cho khoản vay 750 triệu đô la. Hay nói khác đi là trả thay cho Vinashin.
Quỹ tích lũy trả nợ của Vinashin được hình thành từ thời điểm phát hành trái phiếu đảo nợ 600 triệu đô la Mỹ, song số tích lũy được là rất ít. Khoản vay 750 triệu đô la thì minh bạch đầu vào nhưng kết cục là như vậy.
Còn khoản trái phiếu 1 tỉ đô la Mỹ phát hành năm 2010 đã đến những địa chỉ nào? Họ đã sử dụng và chi tiêu, hiệu quả ra sao? Có báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng các quy định về cho vay lại không? Đến giờ hầu như không được công khai.
Theo nghị quyết của Chính phủ tại thời điểm đó, mục đích của việc phát hành trái phiếu năm 2010 là để cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy (Lilama) vay lại nhằm đầu tư các dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, mua tàu vận tải, thủy điện Xekaman 3 và Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Việc cho vay cụ thể thế nào, sau đó có điều chỉnh về đối tượng vay, dự án vay… hay không lại càng không rõ.
Việc không công khai đối tượng được vay lại vốn trái phiếu quốc tế dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, giám sát được việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của con nợ. Trong khi mọi khoản trả nợ đều phải nộp về quỹ tích lũy trả nợ để đến hạn hoàn trả cho các trái chủ.
Vinalines khẳng định họ không vay từ nguồn này, bởi nếu có thì trong kế hoạch tái cơ cấu tài chính mà Vinalines đang đệ trình lên Chính phủ phải có số liệu. Còn các doanh nghiệp khác thì không có thông tin.
Việc không công khai đối tượng được vay lại vốn trái phiếu quốc tế dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, giám sát được việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của con nợ. Trong khi mọi khoản trả nợ đều phải nộp về quỹ tích lũy trả nợ để đến hạn hoàn trả cho các trái chủ.
Quyết định 192/2004 của Thủ tướng quy định rằng, với các quỹ tài chính ngoài ngân sách, như Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài phải thực hiện chế độ công khai tài chính để tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước có liên quan và nhân dân cùng biết. Song, thực tế chưa bao giờ quỹ này được công khai để giám sát dòng tiền hoàn trả của các đối tượng vay.
Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước nhận định việc quản lý các khoản vay nước ngoài về cho vay lại của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn hạn chế. Đó là việc chưa có báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro (tín dụng, tỷ giá…) đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.
Việc ghi thu, ghi chi chậm nên tình trạng các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về quỹ không kịp thời là khá phổ biến. Trong khi quỹ này, số dư khoảng vài chục ngàn tỉ, luôn phải “căng” ra để trả các khoản đến hạn, quá hạn và các khoản mà Chính phủ phải trả thay cho doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng, trong đó sẽ có cả trái phiếu quốc tế.
Trước mắt mới là việc đảo nợ 1 tỉ đô la, nhưng nếu tiếp tục đi vay về, cho vay lại mà không thẩm định hoặc thẩm định sơ sài về khả năng trả nợ của đối tượng vay thì sau khoản vay đảo nợ nói trên, Chính phủ sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục vay để đảo nợ nhiều hơn nữa.
---------
Tác giả: Ngọc Lan
Add a review