Descriptions
Công nghiệp ô tô VN trong 20 năm phát triển vẫn chỉ là lắp ráp. Và sắp tới lắp ráp cũng có thể không còn ‘đất sống’.
Lắp ráp cũng không còn đất sống?
Ngày 2/4, tại cuộc họp báo công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015 ở Hà Nội, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam thừa nhận cho tới nay, Toyota Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại VN, dù năm 2015 sẽ là thời điểm công ty buộc phải quyết định bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm.
Giải thích cho chuyện này, ông Maruta cho biết: “Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lại lắp lại.
Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều phải phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.
Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô chưa đưa ra kế hoạch phát triển cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không biết phải làm gì. Vì thế, để trả lời câu hỏi: “Toyota có tiếp tục sản xuất hay không?” thì chúng tôi còn phải đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn”.
Cách đây không lâu, một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.
Nguyên nhân dẫn đến việc này, ông Maruta đề cập, khó khăn nhất của Việt Nam dẫn đến kém cạnh tranh là không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô trong nước rất thấp (chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe). Và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp.
Đơn cử như Toyota Việt Nam dù đến nay đã phân phối và sản xuất khoảng 305.780 xe nhưng mới có 18 nhà cung cấp phụ tùng trong nước với 270 phụ tùng được nội địa hoá.
Như vậy, khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ khó cạnh tranh so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.
Trong khi đó, các dòng xe phổ thông mang các thương hiệu Toyota, Ford, Mazda, Honda… đang chiếm thị phần áp đảo ở thị trường ô tô trong nước. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai.
Để thu hút được các nhà sản xuất ô tô rót vốn vào Việt Nam như Thái Lan và Indonesia như hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường tại chỗ thật lớn và phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngang hàng với Thái Lan và Indonesia trong thời gian còn lại là điều rất khó khăn.
Trước đó, ngày 2/4, Toyota đã có cuộc họp báo tại Hà Nội công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015, ông Daisuke Bando – Giám đốc Khối hoạch định chiến lược của hãng cho biết:
“TMV hiểu rằng ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng luôn khẳng định với các cơ quan của Chính phủ là lịch sử ngành sản xuất xe hơi tại Việt Nam còn quá mới mẻ và ngành công nghiệp phụ trợ còn quá non trẻ. Đối với một nhà máy lắp ráp, nếu môi trường công nghiệp phụ trợ phát triển thì mới có thể giảm giá thành sản xuất xe.
Trong khi đó, tất cả linh kiện của TMV gần như đều phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến chi phí tăng cao. Cho nên, đến một lúc nào đó, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam sẽ rẻ hơn so với việc nhập từng phụ kiện về lắp ráp”.
Phía Toyota cũng cho biết số lượng xe bán ra của liên doanh này trong năm 2014 đạt 41.205 xe, tăng 24% so với năm trước, và chiếm 31% thị phần trong VAMA.
“Chỉ hơn Lào, Campuchia về số GS, TS”
Nhìn nhận về nền công nghiệp sản xuất ô tô của VN, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho biết: “Chiến lược quy hoạch và chiến lược phát triển ô tô trong nước từ trước đến nay, đều không có quy hoạch rõ ràng. Thị trường ô tô nội địa chỉ là sân chơi cho một số tập đoàn ô tô lớn đầu tư vào VN, nhưng chủ yếu là lắp ráp, cụ thể như tập đoàn của Ford, châu Âu, Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, thời gian qua, DN ô tô nội địa cũng đã phá sản nhiều, chỉ làm được một vài loại hình ô tô đơn giản, công nghệ không phức tạp.
Đáng lẽ ra, nếu muốn sản xuất ô tô thì phải nắm bắt được khoa học công nghệ sản xuất, trình độ kỹ thuật tiên tiến, nhưng ở đây, DN nào cũng chỉ lắp ráp kiếm lời trước mắt, nên VN mãi chỉ là thị trường tiêu thụ ô tô, giỏi lắp ráp.
Ông Nam khẳng định: “Phải làm bằng năng lực của mình, khoa học công nghệ của mình, bằng công nhân, kỹ sư của mình, không nên để ngành công nghiệp cơ khí VN kém xa thế giới. Từ trước đến nay, ngành cơ khí vẫn dường như bị bỏ bê, không được quan tâm, chúng ta mới chỉ quan tâm đến những chiến lược trên trời – dưới biển.
Thực trạng đau lòng hơn, đó chính là hiện nay, chỉ có khoảng 10% DN lắp ráp, còn lại toàn DN nước ngoài lắp ráp, có nghĩa chúng ta đang đi làm giàu cho DN nước ngoài. Đến bây giờ không một hãng nào quy hoạch VN là điểm sản xuất ô tô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh, VN chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ, để thấy sai lầm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí và ô tô của VN”.
Đồng tình quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định: “Hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô sau bao nhiêu năm đề ra mục tiêu nội địa hóa, rõ ràng rất kém hiệu quả, thị trường ô tô trong nước thấp, nên hoàn toàn bị lép vế trước thị trường nước ngoài”.
Vì vậy, theo ông Doanh cần phải xác định rõ mục tiêu cụ thể, xác định rõ con đường đi của ngành công nghiệp này, nhất là sau mấy chục năm cuối cùng vẫn chỉ là thợ ăn lương hàng tháng.
Nhìn nhận ở góc độ khác, Th.S Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới lại cho rằng: “Công nghiệp ô tô chúng ta đi trước Campuchia cả mấy chục năm, nhưng trong 20 năm phát triển ngành công nghiệp này VN vẫn là lắp ráp, gia công trong khi Campuchia đã đón nhận chiếc ô tô tự sản xuất đầu tiên. VN chỉ có niềm tự hào lớn nhất, hơn Lào và Campuchia được công nghệ đào tạo và số lượng tiến sĩ, giáo sư.
Tức là họ làm có chủ đích, có ý đồ để vươn tới làm chủ công nghệ, khẳng định vị thế trong khi VN chỉ quan tâm tới GDP và tiền bạc”.
Hơn nữa, nhất là trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh dữ dội nhưng VN trong tay không có gì từ công nghệ, trình độ quản lý tới tiềm năng kinh tế, tức là cứ nằm chờ cơ hội đưa đẩy mình thì rất nguy hiểm. Cứ với cách làm thụ động, ngồi yên để đi từ giật mình này tới giật mình khác, chỉ trong vài năm tới VN sẽ phải đuổi theo Lào và Campuchia.
Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc quý 1 tăng mạnh
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô trong toàn quý 1/2015 đạt 23.000 chiếc và 537 triệu USD, tăng đến 116,4% về lượng và tăng 154,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm này vẫn chưa thấy dấu hiệu nào đủ để tác động xấu đến sức mua trên thị trường ôtô nói chung.
Và bởi vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục sôi động và kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên hoặc ít nhất là duy trì ở mức cao.
Cụ thể, gần đây nhất, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, đã có 8.000 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 3/2015, đạt giá trị kim ngạch 217 triệu USD.
THEO BÁO ĐẤT VIỆT
Add a review