Subtotal: $0
Từ chuyện tp HCM đập bỏ trường Lê Quý Đôn- XIN HÃY GIỮ LẤY NHỮNG KỶ NIỆM
Price:
Descriptions
Xét cho cùng thì đời con người ta thật ngắn, không nói ra nhưng ai cũng biết rằng rồi sẽ đến lúc mình bước ra khỏi cuộc đời này . Mỗi dấu vết con người ta để lại ở đời rồi sẽ đến lúc từ cõi hư không con người ta nhớ về nó với bao niềm yêu thương, âu yếm.Xóa bỏ ký ức, xóa bỏ kỷ niệm, chỉnh trang đô thị, tạo nên một bộ mặt mới... không nơi nào hơn Đà Nẵng ! Các kiến trúc cũ thời Pháp dọc đường Bạch Đằng thứ tự được đập bằng hết để xây nên những công trình mới. Từ Cổ viện Chàm nhìn qua đài truyền Đà Nẵng VTV là một kiến trúc nhà 2 tầng hài hòa với cảnh quan của cổ viện. Thế nhưng nó vẫn được đập để xây nên tòa nhà 10 tầng kệch cỡm, chối mắt không thể hơn !
Và khi chỉnh trang đô thị bao con phố vừa đủ hai làn xe ngày xưa đã được mở rộng, bao hàng cây xà cừ cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã được chặt bỏ để mở rộng lòng đường. Ở Đà Nẵng, đường Lê Duẩn, tức đường Thống Nhất cũ, nơi có trường nữ trung học ngày xưa, như con đường Duy Tân cây dài bóng mát của Sài Gòn cũ, nơi hình thành và ngân nga bao câu thơ của mối tình đầu tuổi mới lớn. Nơi mà mỗi gốc cây đều chứa đầy những vết khắc hình trái tim và tên người thương. Đó có lẽ là những bức thư tình hay nhất thế giới gửi vào hư không. Thân cây dầu ứa nhựa hẳn cũng cảm thông tấm lòng người cầm dao. Bây giờ, ai đếm được bao người tìm lại con đường cũ, tìm lại gốc cây xưa , gốc cây đã lưu giữ giùm ta nỗi xao xuyến một thời ? Mà không chỉ con phố này, ở Đà Nẵng hầu như tất cả các hàng cây cũ đều đã được chặt bỏ. Khi thì trồng hoa sữa, rồi thấy người dân chịu không thấu mùi hoa nở vào đúng ngày hè oi bức, người ta lại chặt đi vào trồng vào đó những hàng cây mới mãi không thấy lớn !
Khi quyết định chặt bỏ hàng cây mở rộng con đường các nhà quản lý, các nhà quy hoạch có ai nghĩ đến điều này để một thoáng do dự khi đặt bút ký ? Đừng nghĩ rằng đó là chuyện tình cảm vớ vẩn ? Bao nhiều người đã lặn lội từ trờ xa về để nhìn lại cái gốc cây lần đầu hò hẹn trước khi nhắm mắt ? Liệu sẽ có không một người Đà Nẵng xa xứ nào đó trở về Đà Nẵng để đầu tư chỉ vì nơi đây lưu giữ những kỷ niệm thời tuổi trẻ của họ nhưng họ đã bỏ đi vì không thể tìm lại bóng dáng của một Đà Nẵng nào trong ký ức ?
Có lẽ, trong chuyện này quan trọng nhất là chuyện di dời, xóa bỏ, chuyển chỗ các trường học. Không nơi nào lưa giữ những kỷ niệm tuổi thơ hơn các trường học, nó là kỷ niệm đời người, vì nó mà người ta đi chân trời góc bể vẫn tìm về, và vì thế nó chính là quê hương của mỗi người. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì Đà Nẵng đã nỗ lực, theo đúng nghĩa nỗ lực, xóa bỏ các ngôi trường xưa cũ nhất. Trường Nữ trung học thành trường đại học Đà Nẵng, trường Trần Phú chuyển nơi khác vì có đường cầu rồng bắc qua đã đành, nhiều trường chẳng vì lý do gì người ta cũng chuyển, Phan Châu Trinh nhảy qua tiểu học Kim Đồng (trường nam tiểu học từ thời pháp cũ), đập kiến trúc cũ (rất giống với trường Quốc Học Huế) để xây nên năm khối nhà 5 tầng vô hồn vô cảm tràn cả ra đường bằng những khối bê tông trang trí lớn. Trường Kim Đồng thì “chạy” đi đâu tôi thực sự không biết ! Chỗ Phan Châu Trinh cũ thì đã tính bán nhưng vì là “kỷ niệm” di tích của quá nhiều người nên lãnh đạo đã lùi một bước nhưng vẫn xẻ đường, thu hẹp diện tích để lấy đất bán cho một dự án có ba mặt tiền !
Một khi người ta xa lạ ngay trên con phố nhà mình, nhớ nhà khi đứng ngay trước ngõ nhà mình thì người ta cũng sẵn sàng ra đi mà không thèm quay lại, họ sẽ trở thành những người không có quê hương để nhớ. Và đó có lẽ là điều đáng sợ hơn bất cứ thứ gì đáng sợ khác trên đời này.
Xét cho cùng thì đời con người ta thật ngắn, không nói ra nhưng ai cũng biết rằng rồi sẽ đến lúc mình bước ra khỏi cuộc đời này . Mỗi dấu vết con người ta để lại ở đời rồi sẽ đến lúc từ cõi hư không con người ta nhớ về nó với bao niềm yêu thương, âu yếm. Còn khi chẳng có dấu vết gì hết, mọi dấu vết đều bị xóa hàng ngày, cái mới luôn có mặt để thay thế cái cũ, thì sao nhỉ ? Chắc như một truyện ngắn nào đó của Maxim Gorki, thằng con hoang bất tử xoay cuồng trong hình dáng những cơn lốc cát không nguồn gốc giữa sa mạc.
Ở Đà Nẵng nhiều người kể câu chuyện kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Văn Thảo, đã cùng 40 người bạn học thuở nhỏ ở Đà Nẵng trong các trường Kỹ thuật, Phan Châu Trinh, Sao Mai, Hồng Đức, Bồ Đề, Phan Thanh Giản… trên khắp thế giới cùng nhau góp gần 3 triệu USD làm nên cái khách sạn 10 tầng gần biển Mỹ Khê để... có chỗ bạn bè đi về mà gặp nhau. Anh có mấy câu thơ hay đọc cho mọi người nghe:
Quê nhà mấy bận tri âm.
Mấy phen tri kỷ mấy lần ly bôi.
Quê nhà không nhớ thì thôi.
Nhớ là muốn chạy một hơi về liền.
Thế nhưng gần đây thấy các anh ít về, niềm vui lần đầu rồi phai đi rất nhanh khi hầu như tất cả những ngôi trường từ đó họ đã ra đi ấy bây giờ đều không còn nữa. Không còn cả cái tên lẫn nơi chốn nó đã từng đứng. Muốn giúp các em học sinh khó khăn ngay chính ngôi trường mình học ngày xưa dầu sao cũng vui hơn là giúp bất cứ nơi nào khác.
Vì vậy, các nhà quản lý, nếu được, xin hãy giữ lại các ngôi trường. Nói rõ hơn, xin hãy lại các kỹ niệm. Không cần nó là di sản hay di tích đặc biệt quan trọng, cũng không cần nó có kiến trúc đẹp, chỉ chịu khó nghĩ giùm cái cơ sở, cái gốc cây mà mình sắp phá bỏ ấy nó gắn với kỷ niệm của bao người. Mà chẳng riêng gì các nhà quản lý phải cân nhắc khi xóa bỏ một công trình, một vật thể như tòa nhà cũ hoặc cái gốc cây vài chục năm tuổi; ngay cả mỗi một con người cũng cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi thay đổi một cái gì đó trong căn nhà của mình, nhất là khi đã sống chung với nó vài ba thế hệ hoặc vài ba chục năm. Cái lu sành chứa nước ta vẫn dùng thời bao cấp khi cúp nước giờ không cần nữa, đập một búa rồi cho vào xe rác chăng? Thật kỳ lạ là sau khi làm điều đó góc bếp chẳng còn mát mẻ như xưa nữa, nó khô khốc và nhiều gắt gỏng, trách móc. Có thể không phải chỉ vì chiếc lu nước nhưng nó vẫn ám ảnh ta như điều không thể giải thích được như cái gốc cây có hình trái tim ta khắc vụng về ngày xưa vậy.
Hồ Trung Tú
Add a review