Descriptions
Lẽ nào cây xà cừ lại dễ đổ trước gió bão đến như thế ? Giống cây của hè phố đã được người Pháp trồng từ hàng trăm năm trước, đã trải qua không biết bao nhiêu trận bão cấp 12 mà không chịu đổ, sao bây giờ mới giật cấp 10 thôi đã ngã la liệt thế kia ? Rễ cây xà cừ vạm vỡ toả rộng trong đất, sao ngã xuống rồi mới thấy chỉ toàn là rễ chùm bám quanh như một bụi cỏ dại vậy ?
Thì ra người Pháp ngày xưa đã chừa cho mày một không gian đất khá rộng là lề đường để mà toả rễ ra mà bám vào đất, mấy năm trước người ta mở rộng đường Quang Trung, một số rễ của mày đã bị xắn gọn, lề đường vào sát thân cây, mày ngã là phải, xà cừ ơi!
Thì ra người Pháp ngày xưa đã chừa cho mày một không gian đất khá rộng là lề đường để mà toả rễ ra mà bám vào đất, mấy năm trước người ta mở rộng đường Quang Trung, một số rễ của mày đã bị xắn gọn, lề đường vào sát thân cây, mày ngã là phải, xà cừ ơi!
Nhớ ngày nào không chỉ đường Quang Trung mà đường Lê Duẩn, Lê Lợi, Yên Bái, Trần phú... cũng rợp bóng xà cừ. Nói đến Đà Nẵng người ta biết ngay đó là thành phố hình thành thuộc loại sớm ở Việt Nam, không phải chỉ là những toà nhà của người Pháp xây mà còn là hàng cây cổ thụ vạm vỡ trên các phố. Hàng cây đẹp nhất trong ký ức nhiều người Đà Nẵng là hàng xà cừ trước trường Nữ trung học, nay là Đại học Đà Nẵng. Đó là nơi hình thành và ngân nga bao câu thơ của mối tình đầu tuổi mới lớn. Nơi mà mỗi gốc cây đều chứa đầy những vết khắc hình trái tim và tên một ai đó. “Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây...” Đó có lẽ là những bức thư tình hay nhất thế giới gửi vào hư không. Bây giờ, ai đếm được bao người tìm lại con đường cũ, tìm lại gốc cây xưa , gốc cây đã lưu giữ giùm ta nỗi xao xuyến một thời. Hàng cây giờ đã biến mất như chưa từng tồn tại. Nhiều người ngơ ngác như mất đi một phần quá khứ, một mảng tâm hồn ẩn chứa biết bao kỷ niệm thời trai trẻ.
Thành phố đang vắng bóng dần những gốc cây cổ thụ. Đó đâu phải chỉ là chuyện bóng mát mà nó còn cho con người ta cảm giác về một điều gì đó vững bền, trường cữu chứ không tạm bợ chụp giật. Đừng nghĩ rằng những chuyện “nhỏ nhặt” như vậy không ảnh hưởng đến lối sống. Có cả đấy !
Bây giờ thì chỉ còn thưa thớt vài cây trên đường Quang Trung. Đọc báo thấy thị xã Trà Vinh rợp bóng cây cổ thụ, người ta làm đường thấy cây thì tránh, còn ở mình sao cứ thấy cây là muốn chặt. Cây dừa ven đường Nguyền Tất Thành ngã sau bão thì dựng lại, sao nhiều cây mới nghiêng thôi đã vội cưa khúc ? Giá trên thị trường hiện nay gỗ xà cừ thuộc nhóm 3, ngang với kiền kiền nhưng nhờ sắc vân mà không dùng trong xây dựng mà chỉ làm hàng mỹ nghệ nên giá trên 10 triệu đồng mỗi khối. Mỗi cây 5-7 khối. Cưa khúc bán đi hay dựng lại đây ?
Đã đành là trong thế phát triển không thể không phá bỏ đi những cái cũ nhưng thế giới người ta cũng thay đổi dữ lắm nhưng người ta có phá bỏ cái cũ đâu ? Xét cho cùng thì đời con người ta thật ngắn, không hiểu được thật rõ, không gọi được thành tên nhưng ai cũng biết rằng rồi sẽ đến lúc mình bước ra khỏi cuộc sống này . Mỗi dấu vết con người ta để lại ở đời rồi sẽ đến lúc từ cõi “hư không” con người ta nhớ về nó với bao niềm yêu thương, âu yếm. Còn khi chẳng có dấu vết gì hết, mọi dấu vết đều bị xoá hàng ngày, cái mới luôn có mặt để thay thế cái cũ, thì sao nhỉ ? Chắc như một truyện ngắn nào đó của Goócky, thằng con hoang bất tử xoay cuồng trong hình dáng những cơn lốc cát trong sa mạc.
Hồ Trung Tú
Add a review